Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Tự do là nô lệ và nô lệ là tự do


Vào lúc khởi đâu con người chúng ta giống như muông thú. Chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên có sẵn chung quanh bằng cách săn bắt và hái lượm. Vì vậy, chúng ta trở thành những thợ săn thú rừng, những người hái lượm hoa quả và sống nhờ vào chúng, những thứ mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Giống như hoang thú, chúng ta sống từ ngày này sang ngày khác mà không phải lo lắng gì nhiều, không phải tự đặt cho mình câu hỏi: Ngày mai sẽ ra sao?… Nhưng, đến khi có sự xuất hiện của khoa học kỹ thuật mà một mặt nó thật tuyệt vời đồng thời mặt khác nó cũng thật khủng khiếp và chúng ta cũng chợt nhận ra, chúng ta không trường sinh bất tử đã khiến chúng ta lo sợ trước cái chết và hoảng hốt vì không biết tương lai của mình sẽ thế nào… Thật tiếc, đó chính là những lo lắng duy nhất lúc này của tất cả chúng ta.
 Sự lo sợ và hoảng hốt trên bắt đầu cho một thảm kịch nhưng cũng bắt đầu cho một cơ hội lớn. Vì khi chúng ta hoảng sợ trước cái chết, trước những đau đớn cũng như sự tù đày thì cũng chính là lúc chúng ta bị kiểm soát ở những phương diện rất quan trọng khác. Trong khi đó, tài nguyên lớn nhất mà con người có thể làm chủ không phải là tài nguyên thiên nhiên cũng không phải máy móc hay là những toà nhà lộng lẫy mà chính là con người của chúng ta.
   Người ta có thể làm cho thú vật cảm thấy sợ hãi trong một khoảnh khắc nào đó vì thú vật sợ đau đớn nhưng người ta không thể làm cho chúng sợ hãi trước sự mất đi tự do. Trước tù đày, thú vật không biết sợ; trước sự hù dọa sẽ bị giam cầm và đánh đập, chúng cũng không biết lo vì thú vật không có ý thức cũng như không có khái niệm gì về tương lai.
   Người ta không thể dí súng vào một thân cây đòi hỏi nó phải cho nhiều hoa trái; không thể cầm ngọn đuốc hù doạ một cánh đồng: “Nếu mày không cho chúng tao nhiều thóc gạo, chúng tao sẽ đốt cháy mày ra thành tro” và tất nhiên, họ cũng không thể nhận được nhiều trứng gà hơn từ một con gà bằng cách đe dọa tinh thần của nó. Nhưng, người ta có thể lấy tất cả mọi thứ quý giá nhất của chúng ta, ngay cả sự tự do của chúng ta chỉ bằng việc hù dọa.
   Xuyên suôt lịch sử loài người, thủ đoạn mang lại lợi nhuận cao nhất và cũng hủy diệt nhiều nhất đó là biến con người thành thú vật bằng hành động hù dọa. Hiện nay, thủ đoạn bóc lột tinh vi này đã đạt đến mức độ tột đỉnh của nó.
   Chúng ta sẽ không thể nhận thức được tình trạng hiện nay của xã hội loài người nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật rằng: Đây là một “chuồng thú”, nơi một nhóm người nhỏ đã trở thành những chủ trại, đại đa số còn lại bị xem như thú vật để cho bọn chủ trại sở hữu và bóc lột.
   Rất nhiều người trong số chúng ta không thừa nhận sự thật tồi tệ này vì họ sẽ lập luận: “Nhưng mà đã có chính phủ bảo vệ chúng ta và chúng ta đang có một hệ thống dịch vụ như: y tế, điện, nước, giao thông, trường học,...thật tốt rồi”. Họ thật sự nghĩ rằng cuộc sống của họ sung túc và bình yên. Họ không hiểu một điều, trên thực tế, người nông dân cũng chăm sóc, lo lắng cho "sức khoẻ" bầy gia cầm của anh ta, bảo vệ sự an toàn, cho đầy đủ thức ăn cũng như thỏa mãn tất cả những đòi hỏi cản bản nhất của chúng. Nhưng, song song với những ân huệ cần ban phát này, người nông dân giam cầm bầy gia cầm của hắn trong chuồng và sử dụng những con vật đáng thương này theo ý anh ta muốn.
   Loài người tin mình có tự do. Không những thế, họ còn tín thác vào điều này và chính phủ bảo vệ quyền tự do của họ. Nhưng, người nông dân cũng tin rằng anh ta cho bầy gia cầm của anh ta sự tự do cần thiết, cho chúng được đi lại trong cái chuồng của chúng. Vấn đề là, tên nông dân láu cá đã làm tất cả vì hắn biết chỉ có như vậy mới có thể nhận được nhiều thịt nhất, nhiều sữa nhất hay nhiều trứng nhất từ những con vật khờ khạo kia.
   Sự thật của cái mà chúng ta gọi là tự do, dân chủ, không khác gì hơn một "trại nuôi người" và để bóc lột sức lao động của chúng ta, những tên chủ trại (đồ tể) ban cho chúng ta một chút tự do (một thứ tự do trong khuôn khổ). Không phải vì chúng công nhận tự do như là một đặc quyền tự nhiên mỗi con người cần phải có; chúng làm vậy chỉ với một mục đích duy nhất nhằm tăng lợi nhuận của chúng mà thôi. Quý vị đã từ từ hiểu ra được cái “nhà tù tự nhiên”  mà quý vị đang được sinh ra này chưa?
   Trong lịch sử, có nhiều giai đoạn của "trại nuôi người". Giai đoạn thứ nhất là sự áp dụng trực tiếp bạo lực lên những con thú trong chuống. Nhưng, theo thời gian cùng với sự khôn ngoan, những tên chủ trại sớm nhận ra cách thức nuôi nấng trên không những nguồn lợi tức thu về rất hạn chế mà còn tốn kém nhiếu công sức.
   Giai đoạn thứ hai là cho lũ nô lệ một chút tự do để họ phát triển về trí tuệ. Từ đó, năng suất lao động được nâng cao và lợi tức thu về cũng được tăng lên vì chúng nhận được nhiều thuế hơn và có khả năng mở rộng cái chuồng thú của chúng ra.
   Giai đoạn thứ ba, những kẻ bóc lột áp dụng chính sách mới bằng cách tuyển chọn một số con thú, dùng chúng để cai quản những con khác và thu lợi nhuận từ những con thú đầu đàn này thay vì trực tiếp thu thuế từ nô lệ. Tất nhiên, những con thú đầu đàn sẽ được hưởng một chút quyền lợi đặc biệt cho đến khi nào chúng vẫn còn mang đủ lợi nhuận về cho ông chủ.
   Mô hình thứ ba sụp đổ khi khoa học kỹ thuật phát triển. Có thể chỉ với một số it nhân lực, con người vẫn sản xuất ra được nhiều sản phẩm. Và càng ngày càng có nhiểu nông dân rời bỏ ruộng vườn lên thành phố sinh sống đã dẫn đến sự khủng hoảng thừa tạo điều kiện cho việc xuất hiện các đô thị mới. Đây chính là giai đoạn thứ tư, sự ra đời của một kiểu "trại nuôi người" hiện đại với cái tên rất đẹp là “xã hội tân thời”.
   Trong "xã hội hiện đại (tân thời)", những ông chủ nô lệ và những con thú đầu đàn được thay thế dưới hình thức những tên mafia kiểu mới. Những tên mafia này thường không tự mình làm chủ công ty cùng với tài sản và công nhân của công ty mà hàng tháng, chúng chỉ cần cho những tên đầu gấu đến và lấy tiền từ những người chủ công ty bằng hình thức đe doạ và khủng bố. Đó là cách bóc lột của kiểu tổ chức nhà nước hiện thời, qua việc họ đòi tiền bảo hộ. Nhà nước bảo vệ chúng ta và chúng ta phải trả tiền cho nhả nước, chỉ có điều là chúng ta phải tự bảo vệ mình trước cái nhà nước (tàn bạo độc tài thối nát).
   Ngày hôm nay, quý vị được tự do lựa chọn nghề nghiệp của quý vị và quý vị được phép mở công ty riêng và điều hành công ty của quý vị tạo điều kiện cho khả năng sản suất của quý vị tăng nhanh đồng thời có nghĩa là tiền thuế mà quý vị đóng cho nhà nước cũng được nâng lên. Và những quyền tự do hạn chế mà quý vị có được chỉ vì quý vị đã mang lại lợi tức cho ông chủ (nhà nước) của quý vị rất nhiều. Guồng máy nhà nước này đem về lợi nhuận cao hơn các kiểu "trại nuôi người" trong các giai đoạn trước đây khi mà quý vị phải nộp ¼ thu nhập hàng năm cho ông chủ (nhà nước) của quý vị.
   Đây là một hình thức cai trị nô lệ thật tinh vi, kẻ bị làm nô lệ không hề biết mình là nô lệ. Wolfgang Goethe nói: “Không ai còn là nô lệ nữa khi mà chính họ tưởng là họ tự do mà không hề có tự do” ( "Niemand ist mehr Sklave, als der sich für frei hält, ohne es zu sein." ).
   Nhưng, điều làm cho ông chủ của quý vị lo ngại nhất là điều kiện sống và sự tự do ngày càng được cải thiện của quý vị, những thứ mà chính họ ban phát cho quý vị, đang đe dọa chính họ. Cái được gọi là “xã hội tân thời” đã mang lại cho họ rất nhiều lợi nhuận nhưng bầy thú của họ một khi quen dần với tự do sẽ bắt đầu tự hỏi: “Tại sao chúng ta bị cai trị và hơn nữa những đứa cai trị chúng ta toàn là những tên đầu gấu chẳng làm ra lợi ích gì hết?”
   Trung Quốc, Việt Nam là ví dụ cụ thể, nơi đang tồn tại hình thái kinh tế XHCN bên cạnh TưBảnCN. Tại những nơi đó, người dân bị cai trị bởi chế độ độc tài nhưng vẫn tồn tại một thị trường kinh tế tự do. Xã hội phương Tây ngày càng phát triển hôm nay cũng chẳng khác gì như Trung Quốc và Việt Nam, càng ngày tư tưởng tự do và nhân quyền càng bị mất đi vì cảnh sát và nhà nước kiểm soát tất cả nhưng riêng kinh tế thì được tự do.
   Nói một cách chính xác, đó chính là hình thức cai trị độc tài với sự liên kết và tập trung quyền lực và chỉ có chính phủ mới được ban phát “sự thoải mái" cho toàn thể người dân cũng như chính phủ trực tiếp điều khiển họ.
   Quá trình canh giữ làm sao cho bầy thú không đi qua lề bên trái được áp dụng một cách rất hệ thống. Đầu tiên, những con thú non được thuần chủng, tức là phải biết tuân phục, bằng phương pháp tẩy não dưới hình thức giáo dục. Ngay từ ban đầu, chúng đã được dạy nhìn thế giới như thế giới mà những ông chủ muốn chúng nhìn để rồi suy nghĩ và tư tưởng của chúng sẽ được đào luyện theo ý đồ của chủ. Sau đó, họ thúc đẩy chúng chống đối lẫn nhau để loại bỏ những “anh hùng” thực sự trong bầy và để chính chúng bán đứng những con người thức tỉnh này cho ông chủ của chúng.
   Rất khó khăn nếu phải trực tiếp sử dụng bạo lực để cai trị bầy thú và nơi nào áp dụng bạo lực thì lợi tức mang lại cho ông chủ sẽ rất thấp. Những dẫn chứng cụ thể nhất là những nước dẫn đầu trong hệ thống cai trị độc tài của khối XHCN. Con người không còn tích cực sáng tạo và năng suất sản xuất bị kém đi khi họ bị trói buộc khắt khe. Nhưng, nếu con người cảm thấy được tự do thì họ sẽ làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
   Tư bản là những quốc gia mà trong đó con người được nhận một thứ quyền tự do trong khuôn khổ. Thứ quyền tự do duy nhất là họ được mua sản phẩm nào họ muốn mua. Tuy nhiên, quyết định được tự do lựa chọn cũng bị hệ thống quảng cáo điều khiển.
   Cách bảo vệ quyền lợi tối ưu của ông chủ (nhà nước) vẫn là chọn ra những con thú được thuần phục tốt nhất, để chúng qua một bên. Chính những con thú lệ thuộc hoàn toàn vào ông chủ sẽ đàn áp, khủng bố những con thú nhận thức ra được tình trạng sự thật và không chịu cảnh sống bị cai trị, quản thúc, cầm tù.
   Khi mà bầy thú đưọc huấn luyện đến mức tự giác tấn công lẫn nhau vì có một con thú nào đó hiểu ra được tình hình. Qua đó, ông chủ của bầy thú không phải tốn nhiều công sức để duy trì trật tự bằng cách trực tiếp sử dụng bạo lực đàn áp. Những con thú hoàn toàn lệ thuộc vào ông chủ sẽ làm thay công việc bẩn thỉu này. Và tầng lớp trí thức (đào tạo khoa bảng) thường là những kẻ bị tẩy não nặng nhất, chúng bị những danh tước và đặc lợi của các ông chủ làm cho mù quáng. Và chính những tên trí thức này sẽ cản trở tất cả những ý tưởng có lợi cho sự nhận thức về cái “chuồng người”.
   Để rồi những con thú chịu lệ thuộc vào ông chủ nhất thường là những con thú tự cho minh giỏi hơn như những kẻ làm trong các lĩnh vực nghệ thuật hay nhóm truyền thông. Tất cả chúng sẽ cam tâm tình nguyện chống lại những người khác đang đòi hỏi tự do rằng: “Các anh làm ảnh hưởng xâu đến những con thú còn lại”. Qua đó, cái “chuồng người” lại càng vững chắc hơn.
   Một thủ đoạn khác nữa của ông chủ là nguy tạo cho bầy thú cảm giác không ngừng bị tấn công từ bên ngoài. Chúng sẽ lo sợ và tìm chỗ trú ẩn nơi ông chủ. Qua việc không ngừng ngụy tạo những nguy hiểm từ bên ngoài, ông chủ có thể dễ dàng hướng dẫn bầy thú theo đường hướng của mình. Ông chủ thuê và trả tiền cho một số người đóng vai chó sói hằng đêm gầm gừ, kêu rú và để tạo niềm tin cho bầy thú, ông chủ sẵn sàng cho phép chúng tấn công ngay cả bầy thú của mình, giết một vài con thú của mình để bầy thú xác tín rằng có hoang thú thực sự ở bên ngoài đang đe dọa và bầy thú nhất thiết cần đến sự bảo vệ của ông chủ.
    Và đó là lý do dẫn đến chiến tranh. Chúng tự tạo ra một kẻ thù ảo rồi tuyên bố những kẻ thù ảo này nguy hiểm cho bầy thú.  Thế là bầy thú nhào vô trận chiến chết cho quyền lợi của chủ. Hy sinh tinh mạng để ông chủ của chúng được bành trướng thế lực. Một vài ví dụ điền hình như: chiến tranh tại Việt Nam, chiến tranh tại I-rak, Afganistan, Pakistan, Sudan, Jeman, ở khắp mọi nơi và sắp tới  chuẩn bị  tấn công I-ran. Thật là một trò hề rẻ tiền nếu tin rằng đó là những cuộc chiến mang lại HÒA BÌNH - DÂN CHỦ - TỰ DO. Đây chỉ là LỢI NHUẬN - QUYỀN LỰC - SỰ KIỂM SOÁT bầy thú của những ông chủ.
   Sự cai trị loài người dưới hình thức này đang đi dần đến thời kỳ suy tàn. Những cuộc khủng hoảng chúng ta đã trải qua, nhất là khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay mà nguyên nhân là do sự tự do trong khuôn khổ. Mức sống ngày càng đi lên trong khoảng một trăm năm vừa qua nhờ sự phát triển của nền kinh tế tự do. Và chính sự phát triển này sẽ mang lại cho ông chủ ngày càng có  quyền lực lớn hơn và lòng tham vô đáy của chúng cũng ngày càng nhiều hơn. Nếu bầy thú cứ tiếp tục không ngừng sản suất thì số lượng ông chủ sẽ ngày càng gia tăng. Nói một cách khác, sẽ có ngày càng nhiều hơn những sâu bọ - những kẻ bóc lột -  sống phè phỡn trên sức lao động của bầy thú và chúng ngày đêm hút máu của bầy thú. Một hệ thống đầy rẫy những ung nhọt độc tính và chính những ung nhọt này sẽ làm tê liệt hệ thống chính trị, nhà nước làm dẫn đến cái chết của tất cả chúng ta.
   Bao giờ bắt đầu cũng là một chính  phủ nhỏ bé để rồi lớn dần lên và cuối cùng là một con dã thú khủng khiếp. Quá trình vận động trên giải thích cho sự lớn mạnh của các ông chủ và tại sao những ông chủ ngày hôm nay lại muốn tập trung quyền lực, tại sao phải toàn cầu hóa để tạo ra một trật tự mới cho thế giới. Trong khi chúng ta đã thấy quá rõ ràng tất cả mọi hình thức cầm quyền trong quá khứ từng muốn bá chủ toàn cầu đều gây ra chết chóc, đau khổ và  sự hủy diệt.
   Để thực sự có tự do rất dễ nhưng cũng rất khó. Chúng ta chỉ phải bỏ đi thói bầy đàn, không chạy theo những kẻ chỉ biết phục vụ cho ông chủ, cố gắng bảo vệ hệ thống nhà nước đang hút máu chúng ta. Chúng ta phải không ngừng cảnh giác và thấy được cái hàng rào đang cố chặn chúng ta lại trước tự do thật sự. Bước đầu tiên, chúng ta cần nhận thức được tình trạng chúng ta đang bị nô lệ hoá như thế nào để chúng ta đứng lên thoát khỏi sự trói buộc này. Hãy  giật sập bức tường đang cầm tù chúng ta! Hãy chạy tới đồng cỏ mênh mông sau bức tường đó, chạy tới những nơi nào mà ở đó chúng ta có thể được hít thở không khí tự do!
    Mỗi người đều có thể tự chọn cho chính mình: Muốn bị sống trong một chuồng bò hôi tanh, ngày ngày bị nhét thức ăn vô mồm, đứng để người khác vắt sữa mình và tới khi không còn cung cấp đủ sữa nữa thì sẽ bị giết thịt hay quyết định thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, tự chọn lấy cái mình muốn ăn, không bị lệ thuộc và được sống một cuộc sống tự do thật sự.
    Cuối cùng, tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện ngụ ngôn: Có một con heo nói với một con heo khác: ”Mày biết không, tao nghe tin đồn rằng thằng chủ cho chúng ta ăn chỉ để chúng ta béo lên để rồi sẽ mổ bụng chúng ta, mang đi bán”. Con heo kia trả lời: ”Mày chỉ nghe tin đổn của lũ phản động!”
NVThiênChương phỏng dịch từ nguồn:

Không có nhận xét nào: